Quét vôi cuống mít trái mít Thái, vì sao lại tập trung làm vào thời điểm này?
Tại sao thời điểm này nhiều nhà vườn lại tập trung quét vôi cuống mít Thái
Hiện nay, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đang tập trung quét vôi cuống mít Thái. Đây là cách làm mà người dân cho là giúp phòng bệnh mít thối cuống, mít nứt mầu.
Theo một số hộ dân giải thích, vào mùa mưa, nhất là mưa đầu mùa, độ ẩm trong vườn tăng cao tạo điều kiện cho nấm và bệnh thán thư tấn công cuống và mầu mít Thái, dẫn đến tình trạng mít thối cuống, mít nứt mầu.
“Trái mít bị nứt mầu, thối cuống thì bị thương lái “đạp” xuống mít chợ liền mặc dù trái to trên 10kg, gai xanh, múi đẹp. Nếu xảy ra nhiều trái thì giảm thu nhập nặng” – Anh Trần Thanh Hải có 1.500 m2 trồng mít Thái ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết.
Theo anh Hải, mít thối cuống, mít nứt mầu gây thiệt hại cho vườn mít Thái rất nhiều cho vườn mít của anh và các hộ dân khác ở địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, cách phòng trị dễ nếu chịu khó và phải có sự chủ động.
“Có thể mua vôi ăn trầu (khoảng 10.000 đồng/kg) về pha về với nước và thuốc có gốc đồng hoặc các loại thuốc trị nấm bệnh khác quét phủ hết cuống và mầu mít Thái. Hiện nay, nhiều nơi áp dụng cách này có hiệu quả cao” – anh Hải nói.
Ngoài ra, theo anh Hải, để hiệu quả hơn trong việc phòng mít thối cuống, mít nứt mầu, chủ vườn cần thường xuyên kiểm tra các trái mít Thái gần già, sắp thu hoạch coi có đọng nước trên mầu trái mít không để xử lý ngay sao cho khô, thông thoáng.
Vì sao không được cắt đọt khi cây mít Thái đang nuôi trái
Ngoài mít nứt mầu, nám trái, thối cuống, sơ đen thì một tình trạng mới xuất hiện vài năm gần đây khiến người trồng mít Thái ở ĐBSCL lo lắng đó là sượng.
Người dân cho hay, cũng như các loại bệnh trên, trái mít sượng không được thương lái mua, coi nhu bỏ. Điều may mắn là tỉ lệ trái cũng như vườn cây bị tình trạng này không nhiều.
Về nguyên nhân trái mít sượng, nhiều người dân cho rằng trái bị ruồi vàng, nấm khuẩn tấn công hoặc do cây bị sốc, bị ức chế sinh trưởng từ một tác động nào đó từ môi trường và con người, dễ thấy nhất là khi người dân cắt đọt khi cây mít đang mang trái non.
Về cách hạn chế trái mít sượng, nên phun thuốc phòng trừ ruồi vàng và các loại thuốc trị nấm khuẩn ngay từ khi trái còn nhỏ. Đồng thời, hạn chế tác động đến cây như cắt đọt.
Anh Nguyễn Văn Cần ở xã Chánh Hội, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Cây mít Thái chỉ nên cắt đọt khi chưa cho trái tơ (trái vụ đầu tiên), nhằm làm cho cây mít lùn, phát triển nhánh cái. Trong trường hợp cây mít vài năm tuổi, nếu người trồng thấy cây mít cao, sợ tét nhánh hoặc đổ ngã khi mưa vẫn có thể hạ đọt bình thường khi cây không đang nuôi trái”.
“Khi cây đang nuôi trái non, chỉ cần hạ đọt, chỉ một thời gian ngắn sau, trái không phát triển được hoặc có lớn được nhưng sẽ bị sượng múi. Những trái này chỉ có bỏ” – anh Cần thông tin thêm.
Theo Duy Khánh – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài quét vôi cuống mít trái mít Thái, vì sao lại tập trung làm vào thời điểm này? tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời