Anh nông dân Bình Thuận trồng giống mãng cầu gì mà trái nào cũng to lớn, bán đắt tiền người ta vẫn mua?
Trên 2 ha diện tích đất vườn, anh Nguyễn Xuân Thức, thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) trồng gần 1.700 cây mãng cầu Thái, với chi phí đầu tư ban đầu hơn trăm triệu đồng.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cùng với định hướng của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều nông dân xã Tân Tiến, thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã mạnh dạn chuyển đổi, thử nghiệm các giống cây trồng, con nuôi mới. Đến nay, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và mãng cầu Thái là một trong số đó.
Trên 2 ha diện tích đất vườn, anh Nguyễn Xuân Thức – thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến trồng gần 1.700 cây mãng cầu Thái, với chi phí đầu tư ban đầu hơn trăm triệu đồng. Xuống giống từ 4 năm trước, cây bắt đầu cho thu hoạch 2 năm trở lại đây.
Trong năm 2021, cùng với tình hình chung, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau khi dịch bệnh được khống chế, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, người nông dân dần ổn định sản xuất, chú trọng đầu tư hơn các khâu chăm sóc, nhiều loại cây trồng vì thế cũng sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn nhiều mùa trái bội thu.
Là người thay anh Thức chăm sóc vườn mãng cầu Thái, anh Hoàng Xuân Thỏa cho biết: Trong quá trình trồng, nhận thấy loại cây này khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại vùng đất thôn Hiệp Cường, xã Tân Tiến.
So với giống mãng cầu thường, thì mãng cầu Thái không chỉ cho trái to, hình dáng đẹp mà thịt trái còn dày, ít hạt và có vị thơm, ngọt đậm nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Với đặc tính dễ trồng, cây không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, mãng cầu Thái lại cần chăm sóc đúng quy trình và một số khâu xử lý kỹ thuật khác cây mới cho trái đảm bảo số lượng, chất lượng và đúng thời vụ mong muốn.
Trung bình mỗi năm cây cho trái 2 vụ. Từ khi xử lý ra hoa đến thu hoạch là 5 tháng. Quá trình cây đậu trái người trồng sẽ tiến hành bao trái để hạn chế ruồi vàng đục gây hư hại.
Một trái mãng cầu Thái thường có trọng lượng trên dưới 0,7 kg và có giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Tùy từng thời điểm, nhất là vào dịp tết sẽ có giá cao hơn rất nhiều.
Tìm hiểu, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình mới, trong quá trình sản xuất, không ngừng học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Tân Tiến nói riêng, thị xã La Gi nói chung đang có những thành công bước đầu từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Bằng sự chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới, riêng đối với những người nông dân vốn bản tính cần cù, chịu khó, nay lại phát huy hơn tính năng động để chọn đầu tư, phát triển nhiều mô hình hay, hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu, đẹp.
Theo Trúc My – Báo Bình Thuận – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài Anh nông dân Bình Thuận trồng giống mãng cầu gì mà trái nào cũng to lớn, bán đắt tiền người ta vẫn mua? tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời