25 cán bộ Hải quan Trung Quốc kiểm tra cả trăm vườn sầu riêng của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu
Từ ngày 12/8, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cử 25 cán bộ tiến hành kiểm tra trực tuyến các vườn trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhằm chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra này, phía Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cũng bố trí 22 chuyên gia cùng đội ngũ phiên dịch để hỗ trợ ngôn ngữ cho các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong suốt quá trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện việc kiểm tra trực tuyến diễn ra thuận lợi, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Đúng quy trình, thông tin chuẩn xác thì việc kiểm tra các vùng trồng sầu riêng của Trung Quốc không khó
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ quản lý một vườn sầu riêng của Công ty Chánh Thu ở xã Tân Hưng, Hớn Quản, Bình Phước, vườn đã được cán bộ Hải quan Trung Quốc đánh giá rất cao.
Vào một phòng kiểm tra trực tuyến của Hải quan Trung Quốc với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam tại trụ sở Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi thấy không khí làm việc vô cùng nghiêm túc.
Phía Hải quan Trung Quốc liên tục đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc canh tác, chăm sóc sầu riêng, tại từng vườn sầu riêng, cán bộ kỹ thuật phải có máy quay quay cận cảnh từng cây một để cán bộ hải quan Trung Quốc theo dõi qua zoom.
Sau khi kết thúc buổi kiểm tra với hệ thống rất nhiều câu hỏi phía Hải quan Trung Quốc đưa ra, vườn sầu riêng ông Phong quản lý cũng nhận được những lời khen có cánh.
Ông Phong cho chúng tôi biết, các cán bộ Hải quan Trung Quốc kiểm tra rất kỹ, dù là trực tuyến nhưng soi kỹ đến từng gốc sầu riêng.
Chia sẻ bí quyết để đạt được độ tín nhiệm cao của các cán bộ Hải quan Trung Quốc, ông Phong cho biết: “”Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu thật kỹ các quy định của Nghị định thư và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, trong quá trình diễn giải phải đảm bảo sự logic, quan trọng là phải làm thật với chất lượng thật. Như vườn sầu riêng này của Chánh Thu đã đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, sầu riêng từ vườn này đã được cấp đông để xuất khẩu nên chúng tôi hoàn toàn tự tin”- ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, ở trang trại của Chánh Thu, mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng triệt để. Theo đó, toàn bộ vỏ sầu riêng sau chế biến được xử lý nấm để làm thành phân hữu cơ. “Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được đáng kể lượng phân bón, lại đảm bảo vệ sinh môi trường”- ông Phong nói.
Từ thực tế của bản thân, ông Phong đưa ra lời khuyên với các chủ vườn, cơ sở đóng gói: “Bản thân mình phải làm tốt trước, nếu làm tốt thì không có thị trường nào đáng ngại”.
Được biết, vườn sầu riêng ông Phong phụ trách kỹ thuật rộng 12ha với khoảng 2.400 cây của Công ty Chánh Thu, đã có sản phẩm xuất đi Mỹ, Úc, Nhật Bản,…
Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhằm triển khai các nội dung của nghị định thư về xuất khẩu sẩu riêng từ Việt Nam sang Trung quốc, từ ngày 12/8/2022, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tổ chức kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam.
Đây là những vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được phía Việt Nam đề xuất trước khi ký Nghị định thư và được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá hồ sơ.
Để chuẩn bị tốt cho việc kiểm tra này từ tháng 7/2022, ngay sau khi hoàn thành ký kết Nghị định thư, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để sẵn sàng cho việc kiểm tra.
Cũng trong tháng 7/2022, Cục đã tổ chức 2 khóa tập huấn về triển khai Nghị định thư tại Đăk Lăk và Tiền Giang với sự tham gia của trên 250 học viên tham dự, xây dựng bộ tài liệu hoàn chỉnh đối với sầu riêng để làm tài liệu tham khảo cho các tổ chức, cá nhân quan tâm.
Ngoài ra, ngày 11/8/2022, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp, vùng trồng và cơ sơ đóng gói về quy trình và các nội dung kiểm tra, giải đáp các câu hỏi có liên quan thông qua hình thức trực tuyến.
Trong 3 tuần, GACC sẽ bố trí 3 đoàn kiểm tra cùng thực hiện đồng thời và mỗi đoàn kiểm tra ít nhất 4 doanh nghiệp/ngày. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào việc tuân thủ các quy định của Trung Quốc như các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tại vườn trồng, cơ sở đóng gói, các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch, ghi chép số nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu… và các khu bố trí cách ly Covid-19. Kết quả sẽ được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố sau khi kết thúc quá trình kiểm tra.
“Phía GACC cử 25 cán bộ tham gia đợt này, họ kiểm tra rất kỹ, đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Thậm chí họ còn có những quy định rất mới như ở mỗi vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có một cán bộ kỹ thuật được tập huấn, đào tạo”- bà Hương cho biết.
Do những quy định rất chặt chẽ của Trung Quốc nên phía Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị các địa phương vào cuộc, đồng thời phổ biến kịp thời các quy định, yêu cầu các đơn vị rà soát, làm việc với Sở Y tế về những quy định phòng chống dịch Covid-19 do Trung Quốc vẫn áp dụng “zero Covid”.
Cũng theo bà Hương, ở những địa phương có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền thì quá trình triển khai, đáp ứng các quy định của Trung Quốc rất tốt.
“Ví dụ như Đăk Lăk, họ có văn bản gửi các địa phương phải vào cuộc cùng nông dân, doanh nghiệp xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Nhờ đó, quá trình đánh giá rất thuận lợi”- bà Hương nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Hương, vẫn còn nhiều nông dân, hợp tác xã chủ quan trong việc thực hiện các quy định của Hải quan Trung Quốc, một số địa phương chưa vào cuộc sát sao, thiếu cán bộ cơ sở để hỗ trợ nông dân, cơ sở đóng gói trong quá trình kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
“Thậm chí, có một số vùng trồng, cơ sở đóng gói của Bình Phước lúc đầu hăng hái tham gia đánh giá đợt này, nhưng sau lại thấy khó đáp ứng nên rút lui, ảnh hưởng đến quá trình đánh giá chung và rất lãng phí nguồn lực”, bà Hương nêu một thực tế.
Do vậy, bà Hương cho rằng, các địa phương phải vào cuộc tích cực hơn nữa, đánh giá đúng thực tế của vùng trồng, cơ sở đóng gói, để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với quy định của phía Trung Quốc.
“Trung Quốc đánh giá rất cao sầu riêng Việt Nam, nếu các doanh nghiệp làm ăn bài bản, xây dựng đúng quy trình thì đây là cơ hội rất lớn nhưng nếu phía Trung Quốc phát hiện 1, 2 lô hàng có vấn đề thì nguy cơ mất thị trường rất cao, không chỉ ảnh hưởng đến sầu riêng mà còn ảnh hưởng nhiều loại nông sản khác, trước mắt là 8 loại trái cây đang tiến hành làm thủ tục ký nghị định thư sắp tới” -Hương nhấn mạnh.
Theo Khánh Nguyên – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài 25 cán bộ Hải quan Trung Quốc kiểm tra cả trăm vườn sầu riêng của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời