Đáp ứng tiêu chuẩn mã số vùng trồng: Xoài Đồng Tháp được ưa chuộng
Đáp ứng các tiêu chuẩn mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, xoài Đồng Tháp chinh phục và dần có chỗ đứng ở nhiều thị trường.
Đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, xoài Đồng Tháp chinh phục và dần có chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có hơn 12.000ha xoài, trong đó, TP. Cao Lãnh có trên 4.000 ha xoài. Hiện, Đồng Tháp đã đăng ký 62 mã vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với 3.927 ha, 45 mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển khác với 988 ha. UBND tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm và giao cho ngành nông nghiệp hỗ trợ và cấp mã số vùng trồng cho các đơn vị như: Hợp tác xã (HTX), nông dân và doanh nghiệp…, tạo thuận lợi trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài điều kiện về mã số vùng trồng và nhà đóng gói, để xuất khẩu sản phẩm còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, mỗi nhà vườn, HTX, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, bảo quản và xuất khẩu trong chuỗi ngành hàng là hướng đi bền vững.
Đứng thứ 2 về diện tích trồng xoài trong tỉnh Đồng Tháp, hiện, toàn xã Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh) có 1.100 ha diện tích trồng xoài, với sản lượng xoài cung ứng cho thị trường hàng năm trên 10.000 tấn, trong đó diện tích sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới là 150 ha, sản lượng hằng năm gần 2.000 tấn.
Ông Võ Tấn Bảo – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới – cho hay, tiêu thụ xoài là một trong những khó khăn lớn nhất của HTX do sản lượng lớn, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết. Do đó, từ khi thành lập, HTX phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai 42ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu (tiêu chuẩn VietGAP) phục vụ các thị trường nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nga, Hà Lan, Hàn Quốc…
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cao Lãnh thực hiện mô hình xoài rải vụ hàng trăm ha; liên kết với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với hợp đồng tiêu thụ với diện tích gần 150ha. Là vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, 100% diện tích xoài được cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được sử dụng chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh…
Ông Võ Tấn Bảo chia sẻ, HTX là đơn vị cung ứng lô xoài đầu tiên sang thị trường EU. Mới đây, 3 tấn xoài cát chu Cao Lãnh do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới sản xuất và kết hợp cùng một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU. Qua lần liên kết xuất khẩu này, HTX tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.
Để xuất khẩu được sang thị trường EU, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới đã phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học – công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi.
Đồng thời, xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho trái xoài. Kết quả đạt được mở ra triển vọng tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, nâng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên, nông dân địa phương…
Hơn 50% diện tích trồng xoài tỉnh Đồng Tháp đã được cấp mã số vùng trồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sẽ đạt 100% diện tích được cấp mã số vùng trồng. Các mã số vùng trồng đối với cây xoài được cấp nhiều nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và EU…
Nguồn: Báo Công thương
Bạn đang đọc bài Đáp ứng tiêu chuẩn mã số vùng trồng: Xoài Đồng Tháp được ưa chuộng tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời