Kiên Giang: Vì sao trên cánh đồng lúa lại mọc lên những vườn sầu riêng bạt ngàn, trồng 1 lần ăn hoài
Trong vòng 5 năm qua, nông dân huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên gần 50ha, tăng hơn 40ha so năm 2018.
Trong vòng 5 năm qua, nông dân huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên gần 50ha, tăng hơn 40ha so năm 2018. Trước cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phong trào ồ ạt trồng sầu riêng, liệu việc mở rộng diện tích loài cây đặc sản này tại Giồng Riềng có đáng lo ngại?
Dọc ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng), nhiều cánh đồng lúa bạt ngàn trước đây giờ đã được chuyển đổi một phần thành vườn sầu riêng, một số diện tích đã cho thu hoạch 1-2 vụ, có nơi cây vừa ra bông lứa đầu tiên.
Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh nói: “Gắn bó với cây lúa bao đời nay nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua khiến lợi nhuận từ cây lúa rất thấp, gia đình tôi chuyển sang trồng 1.250 gốc sầu riêng trên tổng diện tích 6ha từng canh tác lúa. Sầu riêng có giá, ở Phong Ðiền (TP Cần Thơ) trồng 1 gốc sầu riêng cho lợi nhuận 7-10 triệu đồng/vụ tùy theo giá thị trường, thấy ham! Vả lại sầu riêng là cây đặc sản lâu năm, trồng một lần là ăn hoài”.
Ðang mở hệ thống tưới nước tự động cho vườn sầu riêng 70 gốc gồm các giống Musang King, Monthong, Ri6, ông Ðặng Văn Cầm, ngụ ấp Thạnh Vinh, cho biết: “Ðây là năm đầu tiên tôi để trái cho vườn sầu riêng. Thấy làm lúa lợi nhuận bấp bênh quá nên tôi chuyển 4 công đất lúa sang trồng sầu riêng, còn lại 20 công vẫn làm lúa. Thấy nhiều người trồng mình cũng trồng theo chứ cũng chưa liên kết tiêu thụ với ai cả. Ai mua được giá thì bán thôi”.
Dù chưa có bất kỳ nguồn thu nào nhưng ông Cầm vẫn tin rằng khi sầu riêng cho trái sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cây lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Ðầy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Vinh, do chi phí trồng sầu riêng khá cao nên mô hình chỉ phù hợp với những hộ có điều kiện kinh tế. Ông Ðầy nói: “Tính cả chi phí cải tạo đất sang làm mô trồng sầu riêng, hệ thống tưới nước, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 1 cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải tốn 4 triệu đồng. Bình quân 1 công đất người trồng đầu tư hơn 50 triệu đồng”.
Ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc thông tin, toàn xã hiện có gần 42ha trồng sầu riêng. Ða số diện tích sầu riêng từ 2-5 năm tuổi. Hộ nhiều nhất cũng 8ha, hộ ít thì nửa công, tập trung tại các ấp Thạnh Vinh, Thạnh Lợi, Thạnh Hiệp, chủ yếu được chuyển từ đất lúa, vườn tạp chứ không có hộ nào chặt bỏ cây gì để chạy theo phong trào.ức Gần 5.000m2 sầu riêng 2 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ khu phố Quang Mẫn, thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng) trước đây là ruộng lúa 2 vụ/năm nên nền đất thấp, ông phải thuê chở 1.800 xe đất để làm mô trồng sầu riêng. Trên diện tích này, ông Hùng trồng 165 gốc sầu riêng với vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Ông Hùng còn trồng xen ổi ruby ruột hồng, xoài cát Hòa Lộc, dưa leo, bí đao để kiếm thêm thu nhập hằng ngày theo hướng lấy ngắn nuôi dài.
Theo những người cố cựu tại các xã Ngọc Hòa, Hòa Thuận, Long Thạnh, sầu riêng là cây đặc sản được người dân trồng từ những năm trước 1975 và những xã này có những vườn sầu riêng từ 30-50 tuổi hiện đang cho trái. Nhờ phù hợp thổ nhưỡng với vùng đất phân phèn ven tuyến sông Cái Bé nên chất lượng sầu riêng thơm ngon và mang hương vị đặc trưng. Một số hộ còn khai thác du lịch sinh thái.
Ðang nhổ cỏ trong mảnh vườn của gia đình tại ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, ông Lê Văn Út cho biết: “Gia đình tôi trồng sầu riêng từ 50 năm trước và khai thác phục vụ du lịch sinh thái từ năm 2001. Những năm gần đây, do nhu cầu thưởng thức sầu riêng tại vườn tăng nhưng diện tích sầu riêng có sẵn chưa đáp ứng đủ nên tôi tăng số lượng trồng sầu riêng lên 100 gốc Ri6. Sầu riêng chủ yếu phục vụ du khách chứ không bán cho thương lái. Gia đình dự tính sẽ liên kết với các nhà vườn trong huyện để tiêu thụ sầu riêng theo hướng này”.
Ông Cao Quốc Ðiện, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, cho biết, theo quy hoạch của huyện, sầu riêng là một trong những loại cây trồng được huyện khuyến khích người dân các xã ven tuyến sông Cái Bé chuyển đổi từ đất vườn, đất lúa kém hiệu quả vì đây là cây trồng đã từng được người dân trồng cách đây khoảng 50 năm.
“Chúng tôi đang khuyến cáo bà con phát triển chậm lại, cải tạo từng bước có lộ trình chứ không chặt phá cây khác mà chuyển sang sầu riêng vì chi phí cải tạo từ đất lúa, đất vườn sang trồng sầu riêng khá cao”, ông Cao Quốc Ðiện nói.
Cho rằng nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu, ông Cao Quốc Ðiện cho biết, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Cái Bé; tập trung chuyển giao khoa học, kỹ thuật để làm sao chất lượng sầu riêng của huyện đồng đều, hướng đến dần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Ngoài ra, huyện cũng sẽ mời chuyên gia hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc không thể thực hiện. Bên cạnh đó, có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển, kết nối giao thương nhiều hơn ở các thị trường mới.
Theo An Nam (baocantho.com.vn)
Bạn đang đọc bài Vì sao trên cánh đồng lúa lại mọc lên những vườn sầu riêng bạt ngàn tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời