3 loại bệnh nguy hại thường gặp trên cây dừa
Trồng dừa, để cây phát triển tốt, đạt năng suất và chất lượng trái ngon, ngoài loại trừ các loài sâu bọ, còn cần phòng ngừa 3 loại bệnh gây hại sau.
Xem thêm:
- Cách phòng ngừa 5 loài sâu bọ nguy hại cho cây dừa
- Cách trồng cây dừa sao cho nhanh bén đất
- 4 điều cần biết khi cây dừa đang nuôi trái
Bệnh đốm lá – bệnh rất thường gặp trên cây dừa
Nội dung bài viết
Biểu hiện: mầm bệnh thường xuất hiện từ chóp lá trở vào, bắt đầu từ những đốm nhỏ màu nâu vàng, hình bầu dục, dần dần đốm bệnh lớn dần có màu nâu sậm hơn, tâm vết bệnh có màu xám tro, nhiều vết liên kết lại làm cho lá đó bị cháy. Bệnh đốm lá thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn vườn ươm hoặc ở những vườn trồng dày.
Nguyên nhân: do nấm Pestalozziap palmarum gây ra.
Cách phòng trị: Điều quan trọng đầu tiên là trồng với khoảng cách trồng phù hợp. Tiếp theo, cần bón phân đầy đủ và cân đối cho cây, nhất là kali. Trường hợp nếu bệnh nặng cần phun thuốc hóa học như: Ridomyl, Novral,… với liều lượng theo chỉ định trên bao bì.
Bệnh thối đọt – nỗi lo lắng của người trồng dừa
Biểu hiện: các lá non trên đọt bắt đầu có dấu hiệu mất màu xanh bình thường, sau đó chuyển sang màu vàng, cuối cùng khô lại và trên đọt dừa nghe có mùi hôi thối; sau đó các lá già phía dưới cũng từ từ vàng, khô và rụng đi dẫn đến cây chết.
Nguyên nhân: do nấm Phytopthora Palmivora Bult gây ra.
Cách phòng trị: vẫn là thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời những cây bị nhiễm bệnh. Từ khi nấm tấn công vào đọt cây đến lúc chết đọt thường mất khoảng từ 3 – 5 tháng, như vậy khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh nhẹ, cần phun ngay lên đọt bằng thuốc Ridomyl với liều lượng khoảng 30g/bình 8 lít và phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Trường hợp, trong vườn có cây bị bệnh chết, cần gom các phần bệnh đem đốt sạch để tránh nấm bệnh lây qua các cây dừa còn lại.
Bệnh nứt rụng trái non – ảnh hưởng năng suất và chất lượng trái
Nguyên nhân nhiễm bệnh nứt rụng trái non
Dừa bị nứt trái hoặc rụng trái non là nỗi ám ảnh của nhiều bà con. Nguyên nhân thường do đất bị nhiễm phèn, mặn với nồng độ cao làm hư bộ rễ của cây, làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi trái. Kết quả là cây bị rụng trái non, nhất là vào mùa khô hay ngay sau những cơn mưa đầu mùa.
Trường hợp cây bị nứt trái, rụng trái trong mùa mưa dầm thường là do đặc tính di truyền của cây bố mẹ. Những cây bị rụng trái thường có trái to, vỏ mỏng, do bón quá thừa đạm, thiếu kali, rễ cây phát triển mạnh hút nhiều nước, dẫn đến làm cho trái bị nứt và rụng. Cây có thể rụng trái cả quày hay chỉ rụng 2/3 quày còn lại 1/3 quày dính trên cây cho đến thu hoạch.
Các nguyên nhân gây rụng trái cụ thể:
- Rụng do vi nấm: lá đài và nơi tiếp giáp giữa cuống trái với lá đài (mầu dừa) có màu nâu đen, thối mềm.
- Rụng do vi khuẩn: trên mầu trái dừa có mủ và có một số lá đài (mầu dừa) vẫn còn xanh.
- Rụng do di truyền: do chọn giống trên cây dừa có bệnh nứt rụng trái non để trồng.
Cách phòng trị bệnh nứt rụng trái non
Dừa bị nứt rụng trái non có nhiều nguyên nhân như vậy, nên đầu tiên cần xác định được nguyên nhân cụ thể. Đối với vùng đất phèn mặn, cần bón cho mỗi gốc từ 3 – 5kg vôi bột/ năm. Đối với các vùng đất thông thường khác cần:
- Điều chỉnh lại công thức phân bón phù hợp: giảm urê, tăng kali
- Vào mùa nước lũ hay mưa dầm dùng xẻng cắt bớt rễ cây để giảm khả năng hút nước của rễ
Đục trên một lổ có hình tam giác đều, cạnh 10 cm, đỉnh quay ngược xuống gốc, sâu khoảng 15 cm, sau đó dùng muối ăn (NaCl) trét lên vết đục nhằm giảm lượng nước đưa lên cây và cung cấp một phần clo cho cây.
- Nếu phát hiện trái rụng có những vết do vi khuẩn hay nấm bệnh tấn công thì khi cây nở hoa tiến hành phun các loại thuốc trừ nấm trực tiếp lên buồng hoa lúc hoa chưa nở như: Mancozeb, Ridomyl theo liều lượng được chỉ định trên bao bì; hoặc các loại thuốc trừ vi khuẩn như: Đồng đỏ hay Starner liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Trên đây là tổng hợp các thông tin về 3 loại bệnh hại cây dừa và cách phòng ngừa. Thế Giới Cây Giống hi vọng các lưu ý trên có thể giúp cho bà con phòng trị được các loại nấm bệnh này để vườn dừa mang lại nguồn thu lớn nhất. Nếu bà con còn đang thắc mắc về cách phòng ngừa các loài sâu hại trên cây dừa thì bấm vào các bài viết khác ở mục “xem thêm” bên trên nhé.
Comment (1)
[…] 3 loại bệnh thường gặp trên cây dừa […]