Trung Quốc tiêu thụ 300 triệu tấn trái cây vào năm 2026, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Dự báo đến năm 2026, số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây của Trung Quốc lần lượt đạt 319 triệu tấn và 15 triệu tấn. Tuy nhiên, các quy định pháp lý về quản lý nhập khẩu nông sản thực phẩm của Trung Quốc ngày càng siết chặt.
Ông Nông Đức Lai – Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc lưu ý thông tin như trên tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 16/12, tại TP.HCM.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam bị cảnh báo
Ông Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, năm 2024, Việt Nam đã ký kết thêm nhiều nghị định thư với Trung Quốc, mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi.
Riêng mặt hàng sầu riêng tươi sang Trung Quốc tăng mạnh, dự kiến đạt 3,2-3,5 tỷ USD năm 2024. Con số này tăng 1,75 lần so với 2023 (bao gồm 400-500 triệu USD giá trị xuất khẩu sầu riêng đông lạnh).
Hiện, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm bớt phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Phong, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, đầy tìm năng. Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc được dự đoán tăng mạnh trong giai đoạn 2024-2029.
Ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng cho biết, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc vẫn tăng trưởng hàng năm.
Dự báo đến năm 2026, số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và 15 triệu tấn. Trong đó, các địa phương ở khu vực phía Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Trung Quốc có nhu cầu tiêu dùng nông sản nhiệt đới còn rất lớn.
Tuy nhiên, các quy định pháp lý về quản lý nhập khẩu nông sản thực phẩm của Trung Quốc ngày càng siết chặt.
Mỗi năm có hàng nghìn trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các nước vi phạm quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc. “Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất”, ông Lai nói.
Theo ông Lai, nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.
Các lỗi bị cảnh báo thường là: Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa, hoặc tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định.
Thị trường Trung Quốc tiếp tục lấy tiêu dùng nội địa là động lực cho tăng trưởng kinh tế. “Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc”, ông Lai khuyến cáo.
Vẫn còn nhiều thách thức cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam
Ông Trần Văn Công – Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu (EU) cũng cho biết, còn nhiều thách thức đặt ra cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam ở EU.
Chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 10% lên hàng hóa EU. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.
EU đã sửa đổi quy định Kiểm soát biên giới (2019/1973) và đưa ra quyết định đối với một số nông sản, thực phẩm có nguồn gốc tại Việt Nam. Trong đó, sầu riêng đang bị liệt kê vào phụ lục I của quy định, tần suất kiểm tra là 10%.
3 mặt hàng khác bị liệt kê gồm: Thanh long có tần suất kiểm tra là 30%; ớt có tần suất kiểm tra là 50%; đậu bắp có tần suất kiểm tra là 50%. Cả 3 mặt hàng này phải kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.
Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD; tăng trên 18% so năm 2023.
Tuy nhiên, thời gian tới, những biến động trên thế giới, các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao, và yêu cầu về phát triển xanh đang đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hòa cho biết, nông nghiệp trong nước cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
“Đồng thời, trong nước cần cập trung tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu; chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Hòa chia sẻ.
Theo Nguyên Vỹ – Báo Dân Việt