Nông dân nói nên làm bông mít Thái ngay lúc này để tháng 7 bán trái giá cao
Nông dân khuyên nên làm bông mít Thái ngay từ lúc này để tháng 7 bán trái được giá cao.
Làm bông mít Thái từ bây giờ để bán trái giá cao vào tháng 7 và tháng 8
Hiện nay, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nhiều nông dân đang xử lý làm bông mít Thái nghịch vụ.
Theo đa số hộ dân, làm bông mít thái từ bây giờ tức là làm bông nghịch vụ, để có trái bán vào tháng 7, tháng 8. Sở dĩ, người dân chọn làm bông mít Thái thời điểm này là do tháng 7, tháng 8 hằng năm, giá mít Thái đều tăng cao.
“Thông thường, trong tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, giá mít Thái rất thấp, đến tháng 7, tháng 8, giá mít Thái mới tăng cao. Riêng trong năm 2021 vừa qua, lúc tháng 7, tháng 8, trong lúc Chỉ thị 16 mà giá mít Thái trên 40.000 đồng/kg” – Anh Trần Duy Nhân ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nói.
Anh Nhân nhấn mạnh: “Bây giờ phải bắt đầu làm bông, để tháng 7, tháng 8 tới thấy giá cao thì mới làm bông thì không kịp nữa”.
Anh Nhân còn cho biết thêm, tháng 7, tháng 8 hằng năm sản lượng mít Thái không nhiều dẫn đến giá tăng. Còn tháng 7, tháng 8 tới đây, theo anh Nhân, dự đoán sản lượng mít Thái sẽ ít hơn các năm trước do người dân nản lòng, bỏ vườn không làm.
Đề phòng tét nhánh mít Thái ngay từ bây giờ, không để gây thiệt hại nặng
Hiện nay, đang vào giai đoạn chuyển mùa, đã có nhiều trận mưa xuất hiện, đặc biệt có các trận mưa lớn. Do đó, các hộ dân đang tranh thủ phòng tránh tét nhánh mít Thái.
Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho hay, nếu để tét nhánh mít Thái sẽ gây nhiều thiệt hại nặng. Cụ thể là cây mít Thái sẽ bị mất sức, nhất là cây mít Thái đang mang trái.
“Mít Thái tét nhánh gây thiệt lắm, nếu cây đang mang trái thì trái sẽ không lớn nổi, cây bị suy” – anh Bình chia sẻ.
Ngoài ra, anh Bình còn cho biết, nếu cây mít Thái tét nhánh dẫn đến việc nấm khuẩn xâm nhập vào vết nứt, vết tét, gây ra nhiều bệnh khó trị, đặc biệt là nứt thân xì mủ.
Để đề phòng mít Thái tét nhánh, theo anh Bình phải chủ động ngay từ đầu, tức là phải hạ đọt, không để cây phát triển quá cao. Đối với cây chưa cắt đọt, thân cây cao thì nên dùng dây chằng các nhánh lại.
Một số hộ dân khác ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ, để cây mít Thái quá cao, nếu một trận mưa giông lớn đi qua thì sẽ xảy ra tét nhánh hàng loạt. Nếu xảy ra như vậy sẽ thiệt hại cả vườn mít Thái, mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để khắc phục.
Theo Duy Khánh – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài nông dân nói nên làm bông mít Thái ngay lúc này để tháng 7 bán trái giá cao tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời