Cả làng trồng cảnh ở Đồng Tháp khắp nơi tràn ngập màu sắc, dân chơi năm nay ưa chậu cây ra hoa 5 màu
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nông dân ở làng nghề hoa giấy Tân Dương, thuộc ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường.
Từ đầu tháng 11 âm lịch, ông Bùi Văn Tư ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã cắt cành, tạo tán, bón phân, tưới nước đầy đủ cho vườn hoa giấy để cây nở hoa đẹp nhất ngay dịp Tết.
Ông Bùi Văn Tư cho cho biết, ông chuẩn bị khoảng 1.000 chậu hoa giấy các loại để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ông trồng và bán hoa giấy quanh năm nhưng dịp Tết là tiêu thụ mạnh nhất. Nhằm tiếp cận nhiều khách hàng, ông hướng đến sản xuất, cung cấp những chậu hoa giấy đơn giản, ghép nhiều màu với giá bán khá “mềm” từ 180.000 – 350.000 đồng/chậu.
Ông Tư cho rằng, tình hình tiêu thụ hoa giấy thuận lợi, chưa bị ứ hàng dội chợ, nhưng giá bán thấp hơn những năm trước.
Còn ông Võ Thành Hiệp ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) chuẩn bị khoảng 500 chậu hoa giấy các loại cung ứng cho thị trường Tết sắp đến.
Ông Hiệp cho hay, tình hình tiêu thụ hoa giấy ổn định nhưng so với cùng kỳ năm trước, giá bán mỗi chậu giảm từ 20.000 – 30.000 đồng, vẫn có lãi nhưng không nhiều. Đến nay, ông đã tiêu thụ được hơn 100 chậu hoa giấy. Thị hiếu của khách hàng là những chậu hoa có giá dưới 300.000 đồng/chậu, loại hoa giấy 5 màu, cây cao từ 1 – 1,4 m.
Để cung ứng thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, làng nghề hoa giấy Tân Dương đã chuẩn bị hàng triệu chậu hoa giấy các loại. Những ngày này, đến ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B, xã Tân Dương, ven các tuyến đường giao thông là những vườn hoa giấy đang khoe sắc rực rỡ với nhiều cây có kích cỡ, hình dáng khác nhau.
Nổi bật là những cây hoa giấy to, cao hơn 2 m được những nghệ nhân cắt tỉa, tạo dáng thành hình cây thông, tán ô, trái tim, cổng ngõ…
Các loại sản phẩm chủ yếu của Làng nghề hoa giấy Tân Dương là hoa giấy ghép 5 màu, cẩm thạch, tím tuyết, tiểu Ấn Độ, phớt hồng sakura… với nhiều kích thước và hình dáng.
Theo nhiều nông dân ở làng nghề hoa giấy Tân Dương, hàng năm, thời gian cao điểm tiêu thụ hoa giấy khoảng từ giữa tháng Chạp đến cận Tết. Hiện tại, bước đầu tình hình tiêu thụ khá thuận lợi nhưng giá bán giảm từ 5 – 10% mỗi chậu so với cùng kỳ năm trước.
Với thâm niên 10 năm gắn bó với nghề trồng hoa giấy, ông Nguyễn Phước Lành ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung chia sẻ, để có một chậu hoa giấy cung ứng cho thị trường phải mất nhiều công chăm sóc suốt thời gian gần 2 năm, qua nhiều công đoạn như: trồng cây, thay chậu, cắt cành, tạo dáng, ghép nhánh để cây ra hoa nhiều màu…
Không như những mặt hàng khác, đối với hoa giấy, nếu không tiêu thụ hết thì sau Tết, chăm sóc, bón phân, thay giá thể để cây phát triển tốt và tiếp tục bán cho khách hàng có nhu cầu.
Theo UBND huyện Lai Vung, nghề trồng hoa giấy ở xã Tân Dương đã hình thành và phát triển nhiều năm qua, tập trung ở ấp Tân Thuận A và Tân Thuận B. Vào tháng 11/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định công nhận Làng nghề hoa giấy ấp Tân Thuận A, Tân Thuận B, xã Tân Dương.
Làng nghề này có hơn 360 hộ trồng và kinh doanh hoa giấy. Việc công nhận làng nghề hoa giấy giúp thương hiệu hoa giấy Tân Dương được nhiều người biết đến, tiêu thụ thuận lợi hơn, cải thiện nguồn thu nhập cho nông dân.
Làng nghề tạo ra khoảng 20 – 25 triệu chậu hoa giấy mỗi năm, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Mỗi chậu hoa giấy có giá bán từ 100.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, tùy thuộc vào giống hoa, hình dáng, thời gian trồng. Cá biệt, có những cây hoa giấy hơn 30 năm tuổi, gốc to, tán đẹp, nhiều hoa với 5 màu rực rỡ, giá bán trên 30 triệu đồng.
Nghề trồng hoa giấy ở xã Tân Dương đã góp phần tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương.
Theo bà Nguyễn Ngọc Tiên ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung, hoa giấy sản xuất và tiêu thụ quanh năm nhưng nhiều hơn trong vụ Tết. Nhờ vậy, nhiều công nhân địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, lại được làm việc gần nhà.
Hằng ngày, công nhân làm việc 8 tiếng với những công việc như thay chậu, làm cỏ, tỉa cành…, tiền công được trả là 200.000 đồng/người.
Ông Võ Văn Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Dương, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, khi làng hoa giấy hình thành và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, địa phương tạo điều kiện quảng bá thương hiệu hoa giấy Tân Dương; đồng thời, phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ hoa, kiểng Tân Dương để tạo điều kiện cho đầu ra của hoa giấy thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, xã có định hướng là không quy hoạch mở rộng thêm diện tích của làng nghề, mà tập trung cho các hộ trong làng nghề hiện tại để đa dạng chủng loại hoa giấy, đặc biệt là các chủng loại mới nhằm thu hút khách hàng.
Địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề nông thôn; trong đó, có dạy về kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa giấy cho bà con nông dân trong làng nghề.