Dừa xiêm dứa bén rễ trên vùng đất khó
Chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp thành khu vườn trồng dừa xiêm dứa, thu lợi nhuận gấp mấy chục lần so với trồng lúa, ông Ngân Văn Phi, ngụ ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Ông Phi là người đầu tiên đưa giống dừa xiêm dứa bén rễ trên vùng đất khó, từ đó mở ra nhiều hướng đi mới cho nông dân nơi đây vươn lên làm giàu
Tân Hưng là một trong những huyện nông nghiệp của tỉnh, trong đó cây lúa là chủ lực. Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân trồng lúa lao đao với điệp khúc “được mùa, mất giá” và ngược lại; đồng thời, tình hình hạn hán, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên lợi nhuận từ trồng lúa không cao. Vì vậy, ông Phi trăn trở, tìm cách chuyển đổi cây trồng để cải thiện thu nhập.
Nghĩ là làm, ông lên mạng tìm hiểu về nhiều loại giống cây trồng khác nhau, trong đó chú ý đến giống dừa xiêm dứa tại tỉnh Bến Tre. Năm 2013, ông Phi lặn lội đến Bến Tre tìm hiểu về kỹ thuật trồng dừa xiêm dứa. Nhận thấy dừa xiêm dứa cho trái nhiều, nước ngọt, có mùi thơm đặc biệt, giá bán cao hơn các giống dừa khác rất nhiều nên mạnh dạn đặt mua 500 cây giống. Sau đó, ông chuyển 2ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng dừa xiêm dứa, tổng chi phí đầu tư ban đầu gần 150 triệu đồng.
Ông Phi chia sẻ: “Trước khi trồng dừa xiêm dứa, gia đình tôi cũng tận dụng đất vườn trồng nhãn nhưng vừa cho thu hoạch lại gặp năm lũ lớn nên mất trắng. Còn sau 7 năm trồng dừa xiêm dứa, gia đình tôi không phải lo sợ khi lũ về; đồng thời, thu lợi nhuận gấp mấy chục lần so với trồng nhãn và trồng lúa trên cùng một diện tích. Cụ thể, dừa trồng 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch, bình quân mỗi cây cho từ 120-150 trái/năm, giá bán 10.000 đồng/trái. Thấy hiệu quả, vợ chồng tôi quyết định đầu tư lên liếp gần 2,5ha đất ruộng còn lại để trồng 1.000 gốc dừa xiêm lùn, dừa xiêm lục và dừa xiêm dứa theo quy cách cây cách cây 5m theo hàng dọc, hàng cách hàng 7m. Ngoài ra, tôi còn trồng xen canh thêm 300 gốc bưởi”.
Tuổi đời của cây dừa ít nhất là 25 năm, bình quân từ khi mua giống đến thu hoạch, người dân chỉ bỏ ra chi phí ban đầu 200.000 đồng/cây và sau 18 tháng không chỉ lấy lại tiền vốn mà còn có lợi nhuận. Nhận thấy hiệu quả từ trồng dừa xiêm dứa, ông Phi mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm với thành viên trong hợp tác xã; đồng thời, bắt đầu nhân giống các loại dừa, bán với giá thấp cho nông dân ở địa phương.
Ông Phi cho biết thêm: “Là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Tân, tôi còn hướng dẫn thành viên chuyển đổi đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng dừa, bưởi, sầu riêng, mít,… Riêng dừa đã phát triển được 15ha. Ngoài ra, tôi đang làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận OCOP, góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông sản đặc trưng của quê hương Thạnh Hưng nói riêng, Tân Hưng nói chung”.
Không chỉ đưa giống dừa xiêm dứa bén rễ trên vùng đất khó mà ông Phi còn ấp ủ ý định thành lập khu vườn sinh thái để phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân nông thôn. Theo đó, dự kiến, ông sẽ xây dựng nhiều khu trò chơi dân gian, khu chụp ảnh lưu niệm, trong đó chỉ lấy tiền vé vào cổng và cho người tham quan tự tay chặt dừa uống miễn phí.
Bằng sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, ông Phi sẽ sớm hoàn thành được những dự định trong tương lai. Và đây là một trong những lợi thế của huyện Tân Hưng có thể khai thác để phát triển một chuỗi du lịch sinh thái miệt vườn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân./.
Lê Ngọc
Trả lời