Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Vạn Niên Tùng
Trong giới cây cảnh và bonsai Vạn Niên Tùng được xem là loại cây cao quý và có giá trị cao. Vậy hãy cùng Thế Giới Cây Giống tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây Vạn Niên Tùng qua bài viết sau đây.
Đôi nét về cây Vạn Niên Tùng
Nội dung bài viết
Vạn niên tùng có tên khoa học là Podocarpus chinensis, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Là loại cây thân gỗ sống lâu năm, tuổi thọ lên đến vài trăm tuổi.
Lá cây Vạn Niên Tùng có hình thuôn dài, mọc đối xứng hoặc xen kẽ. Khi còn non lá có màu xanh nhạt, khi lá già sẽ chuyển sang màu xanh đậm đẹp mắt. Thân vạn niên tùng còn nhỏ có màu xanh nhạt, càng nhiều tuổi thân cây càng trở nên vững chắc, gốc cây càng xù xì và cổ kính.
Vạn Niên Tùng mang ý nghĩa cầu chúc sức khỏe và trường thọ giống như sức sống của nó mang lại cho người trồng. Có rất nhiều cách trồng Vạn Niên Tùng như: trồng kiểng bon sai, trồng sân vườn, trồng công trình và cảnh quan đô thị…
Về giá trị của cây Vạn Niên Tùng: Trong giới chơi kiểng bon sai thì cây Vạn Niên Tùng là loại cây rất được ưa thích bởi nó có dáng mạnh mẽ, tự nhiên và cổ kính. Giá trị của cây Vạn Niên Tùng tùy thuộc vào độ tuổi, hoành gốc và dáng thế của cây, giá có thể từ vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc có khi lên đến hàng tỷ đồng.
Kỹ Thuật Nhân Giống Cây Vạn Niên Tùng
Có nhiều phương pháp nhân giống cây Vạn Niên Tùng như: chiết cành, giâm cành và ươm từ hạt. Trong đó, giâm cành là phương pháp phổ biến được lựa chọn khi trồng cây Vạn Niên Tùng để thuận lợi cho việc chăm sóc. Cành giâm trong giai đoạn vườn ươm phải đạt được độ cao 20 – 25cm, đặt cây trong bóng râm 30 – 45 ngày, sau đó có thể đưa ra tập nắng.
Giá thể sử dụng ươm cây Vạn Niên Tùng con gồm có: Xơ dừa và trấu, với tỉ lệ 70% xơ dừa, 30% trấu. Khi dưỡng cây con trong bầu có thể trộn thêm phân hữu cơ đã oai mục, với tỉ lệ 20 – 30% phân hữu cơ, 30% trấu, 40 – 50% xơ dừa. Cây Vạn Niên Tùng trong giai đoạn vườn ươm nên có lịch phun phân bón lá định kỳ khoảng 10 ngày /lần.
Chọn được cây giống Vạn Niên Tùng khỏe đẹp là nền tảng cho việc chăm sóc và sáng tạo dáng thế cho cây sau này. Với mỗi phương pháp nhân giống, cây sẽ mang những đặc tính và cách chăm sóc khác nhau.
Kỹ Thuật Trồng Cây Vạn Niên Tùng
Trường hợp trồng bằng cây con cần lưu ý:
- Khi cây đạt được độ cao 80cm trở lên có thể đem trồng xuống đất. Vạn niên Tùng thích hợp với nhiều loại đất, nhưng nên trồng trên đất thịt để không bị rã bầu khi bứng cây.
- Cách trồng: Đào hố nhỏ vừa bằng với bầu đất, sau đó dùng một lượng phân hữu vừa phải( khoảng một nắm nhỏ) rãi đều vào hố. Lấp một lớp đất mỏng lên trên lớp phân vừa rãi, rồi đặt cây con xuống hố, lấy tay vun đất xung quanh hố và nén thật chật quanh gốc. Chúng ta có thể cắm thêm cọc để cho cây đứng vững, tránh bị gió làm đổ ngã.
- Sau khi trồng xong, cần tưới nước định kỳ và vừa đủ cho cây trong thời gian đầu.
Trường hợp trồng bằng cây trưởng thành: Để nhanh có cây Vạn Niên Tùng trưởng thành mà không mất nhiều thời gian và công chăm sóc, người chơi kiểng thường sẽ mua cây đã lớn tại các nhà vườn để về trồng lại trên đất hoặc vô chậu.
Nếu mua cây Vạn Niên Tùng có kích thước lớn về thì khi di chuyển cần lưu ý bọc bầu lại bằng nilon và nên giữ độ ẩm thích hợp cho bầu cây khoảng 65 – 80%. Sau 5 – 10 ngày bứng cây, chúng ta mới bắt đầu trồng lại. Trong thời gian đó, chúng ta nên để cây trong mát và tưới nước ngày 3 lần cho cây, khi tưới nước thì nên tưới từ trên xuống dưới gốc.
Trước khi trồng Vạn Niên Tùng chúng ta cần chọn vị trí thích hợp để trồng, tránh trường hợp trồng rồi lại phải di chuyển đến vị trí khác sẽ ảnh hưởng đến rễ của cây. Tiến hành trồng, chúng ta xới một lớp đất sao cho nó tơi xốp và rãi thêm một ít phân hữu cơ, rồi đặt cây lên trên.
Lưu ý thêm khi trồng Cây Vạn Niên Tùng là phải kiểm tra bầu đất cũ là loại đất dẻ hay đất thịt để tiến hành xén bớt đất ra, để cho rễ cây thông thoáng dễ dàng bén đất mới hơn. Sau đó chúng ta bắt đầu đắp mô xung quanh bầu cây Vạn Niên Tùng, tùy vào kích cỡ cây mà chúng ta có thể bồi mô lớn hay nhỏ.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể trồng Vạn Niên Tùng có kích thước lớn bằng cách dùng ngói lợp nhà để xếp chồng lên nhau tạo thành chậu lớn hoặc dùng bầu ươm cây V6 tạo thành chậu để trồng. Kích thước chậu có thể lớn hoặc nhỏ tùy thuộc kích thước cây Vạn Niên Tùng. Sau đó dùng hỗn hợp đất sạch và phân hữu cơ cho vào trước, tiếp theo thì dùng hỗn hợp xơ dừa và trấu trãi đều lên trên đó đến ngang mặt chậu và tưới nước để giữ ẩm cho cây.
Cách Chăm Sóc Cây Vạn Niên Tùng
Các điều kiện tự nhiên
- Đất trồng: Vạn Niên Tùng là loại cây không kén đất trồng, chịu được nước mặn nhưng không thích nghi với nước phèn.
- Ánh Sáng: Vạn Niên Tùng là loại cây ưa sáng với cường độ ánh sáng mạnh nhưng cũng thích nghi được trong môi trường bóng râm. Tuy nhiên, trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng như trong nhà hoặc trong phòng,… sẽ khiến cây bị yếu cành, lá, không xanh tốt và tán thưa. Để khắc phục tình trạng đó hãy bê chậu cây ra ánh sáng tối thiểu 60 phút mỗi ngày để cây hấp thụ ánh sáng sinh trưởng tốt hơn.
- Chế độ nước: Mặc dù cây Vạn Niên Tùng có khả năng chịu hạn. Nhưng nên cung cấp đầy đủ nước cho cây để cây phát triển tốt. Khi trời nắng có thể tưới nước 2 ngày/lần đối với cây nhỏ, 3-4 lần một ngày đối với cây lớn.
- Nhiệt độ: thích hợp với nhiệt độ từ 25-28 độ C. Vạn Niên Tùng là loại cây có sức sống rất bền bỉ nên dễ dàng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt. Vì vậy vào mùa đông cây Vạn Niên Tùng sẽ cằn cỗi hơn những cây vẫn phát triển được.
Cách tỉa cành tạo tán cho cây Vạn Niên Tùng
Khi cây Vạn Niên Tùng con đạt khoảng 20 – 25cm chúng ta có thể tiến hành tạo dáng cho cây. Lúc này thân cây còn dẻo dai, nên việc uốn cong rất dễ dàng. Khi tạo dáng cây Vạn Niên Tùng chúng ta nên dùng dụng cụ uốn rộng hơn kích thước cây, tránh trường hợp cây lớn lên dụng cụ uốn quá kích sẽ tạo vết sẹo ngay chỗ vết uốn, làm mất thẩm mỹ cho cây.
Ngoài ra, khi uốn tạo dáng cho cây Tùng cần chú ý cắt tỉa bớt những cành nhánh không đẹp, che khuất thân cây, chỉ chừa lại những cành nhánh chính cho cây. Đặc biệt hơn, đối với cây Vạn Niên Tùng chúng ta không nên cắt tỉa phân nữa phần lá trên, mà nên cắt dứt khoát hẳn một nhánh cây hoặc một chồi cây nếu thấy không đẹp mắt. Vì vết cắt ngay chỗ lá còn lại sẽ bị cháy làm mất thẩm mỹ cho cây và sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh hại dễ dàng tấn công gây bệnh cho cây hoặc nghiêm trọng hơn là làm cho cây sẽ bị chết.
Đối với Cây Vạn Niên Tùng trồng bonsai có kích thước cây không quá lớn dễ dàng di chuyển, chăm sóc và tạo dáng. Các dáng thế thường được tạo cho cây Vạn Niên Tùng trồng bonsai như là thác đổ, dáng trực, dáng hoành và vũ trụ,…
Cách bón phân cho Cây Vạn Niên Tùng
– Cây Vạn Niên Tùng trong đoạn vườn ươm (khoảng 2 tháng) phun phân bón lá 10 ngày/lần, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì và phải che mát cho cây khoảng 40 – 50%.
– Khi cây còn nhỏ (có chiều cao từ 20 – 50cm) pha phân NPK 16-16-8 hoặc 20-20-15 để tưới, nên tưới vào lúc chiều mát, không nên tưới khi cây đang ra đọt non, cách 15 – 20 ngày nên tưới 1 lần, liều lượng 1kg tưới 1.000 cây, có thể phun bổ sung phân bón lá. Lượng phân tăng dần theo tuổi cây.
– Khi cây Vạn Niên Tùng từ 3 năm tuổi trở lên, nên bón phân từ 40 – 50 gram/gốc, lưu ý không nên bón phân khi cây ra đọt non.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho Cây Vạn Niên Tùng
Cây Vạn Niên Tùng có 2 loại sâu bệnh hại phổ biến đó là rầy mềm và sâu vẽ bùa. Chúng thường tấn công cây khi vừa nhú đọt non. Do đó, để phòng ngừa bệnh này có thể sử dụng dầu khoáng hoặc các loại thuốc trừ sâu khác. Nếu cây bị khô đầu ngọn, có thể phun thuốc Ridomil, Aliette,…
Với những chia sẻ trên Thế Giới Cây Giống hy vọng cung cấp được những thông tin hữu ích về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Vạn Niên Tùng. Đây là một giống cây kiểng có giá trị cao, làm gia tăng vẻ đẹp cho sân vườn nhà bạn. Bạn có thể cân nhắc bổ sung thêm cây Vạn Niên Tùng này vào bộ sưu tập hoa kiểng quý của mình.
Trả lời