Xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm đạt 9,1 tỷ USD: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua đến 90%
Xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu.
Nỗi lo sau tín hiệu vui
Tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức sáng 14/7, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Theo đó, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu.
Mặc dù đặt được kết quả ấn tượng về xuất khẩu, tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp), 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn về các đơn hàng: “Nhìn chung 6 tháng xuất khẩu lâm sản tăng 2%, trong đó, các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng 10% nhưng với thị trường Mỹ thì giảm. Hiện nay, các đơn hàng đang giảm, có những doanh nghiệp đã ngừng sản xuất”.
Theo ông Diện, giá nguyên liệu, trong đó, mặt hàng dăm gỗ đang có giá rất cao. “Giá cao thì chúng ta cũng không vui, đầu năm dăm gỗ khoảng 130USD/tấn thì đến nay đã tăng 180USD/ tấn. Điều này đặt ra nhu cầu về nguyên liệu chế biến, người dân sẽ bán gỗ non và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược sản xuất gỗ lớn của chúng ta” – ông Diện nói.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm và những khó khăn của các doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù từ đầu năm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine nhưng các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu, sản xuất trong lĩnh vực chế biến lâm sản rất năng động, linh hoạt, kịp thời để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để khắc phục khó khăn, ông Trị cho rằng, các doanh nghiệp phải năng động đa dạng sản phẩm, mở ra các thị trường mới chứ không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống như hiện nay. Mặt khác, các doanh nghiệp cần chủ động sử dụng nguyên liệu trong nước. Đồng thời phối, kết hợp để sản xuất các sản phẩm phụ trợ để từ hạ giá thành phục vụ cho chế biến.
Cả nước trồng thêm 50 triệu cây mới
Bên cạnh tín hiệu lạc quan về xuất khẩu lâm sản, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã trồng 50 triệu cây rừng, đạt 41% kế hoạch, bằng 141% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, cả nước đã chuẩn bị được 859 triệu cây giống các loại, phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2022, bằng 130,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm đã công nhận được 9 giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao. Diện tích trồng rừng đạt 119.400ha, đạt 49% kế hoạch, bằng 103,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Bảo, nhiều tỉnh vẫn chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Chính sách về phát triển rừng còn hạn chế, nguồn kinh phí hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng theo chính sách quy định, chưa kịp thời.
Về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, số vụ vi phạm giảm 1,2% so với cùng kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại giảm 50% so với cùng kỳ; số vụ cháy rừng giảm 65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Đối với công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng số tiền đã thu được 1.502 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ và đạt 54% so với kế hoạch.
Theo ông Trị, để đạt được các chỉ tiêu cho cả năm 2022, 6 tháng cuối năm Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tăng cường hoạt động cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đối với công tác bảo vệ rừng, Tổng cục sẽ tham mưu về cơ chế, chính sách để nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi để công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn.
Đối với xuất khẩu lâm sản, sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội, doanh nghiệp để một mặt chủ động các hợp đồng đã ký, bên cạnh đó mở rộng các thị trường ít bị biến động, ảnh hưởng. “Các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt gỗ rừng trồng; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghệ phụ trợ để giảm giá thành một cách thấp nhất, sản xuất ra nhiều mặt hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường” – ông Trị cho biết.
Ngoài ra, đối với trồng rừng, đề án trồng 1 tỷ cây và dịch vụ môi trường rừng thì sẽ thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, đó là thu đúng – thu đủ – chi đúng – chi đủ – chi kịp thời.
Theo Minh Ngọc – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài Xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm đạt 9,1 tỷ USD: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mua đến 90% tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời