Cách trồng và chăm sóc để cây mai vàng nhanh phát triển
Mọi người ai cũng muốn có ít nhất một cây mai trổ hoa vàng rực trước sân vào dịp tết. Những nghệ nhân thì đam mê với những cây mai vàng có bộ đế bộ thân bộ tán đẹp mắt và độc đáo. Để trồng được những cây mai như vậy thì cần nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc ngay từ đầu. Thegioicaygiong.com chia sẻ các thông tin này qua bài viết bên dưới, các bạn cùng tham khảo nhé.
Xem thêm:
- Cây mai vàng trồng được ở miền Bắc không?
- Cứ cố trồng mai vàng dưới đất phèn chua, ngờ đâu một ông nông dân Long An giờ lại thu tiền tỷ
- Phân loại các giống mai vàng quý hiếm hiện nay
Thời điểm trồng
Nội dung bài viết
Giống như các giống cây trồng khác, cây mai vàng cũng nên được trồng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa để cây nhanh bén đất. Trong trường hợp chúng ta có thể chủ động được nguồn nước tưới quanh năm thì có thể trồng cây mai vàng vào mùa nào cũng được.
Đó là khi trồng cây mai vàng con, còn đối với cây mai lớn, cây đã trưởng thành hoặc trường hợp sang chậu cây mai thì nên trồng vào đầu mùa mưa là thích hợp nhất. Vì mùa khô là giai đoạn cây mai rụng lá, ngủ nghỉ, nên bứng cây sang chậu vào mùa mưa là giai đoạn cây phát triển, cây sẽ nhanh ổn định hơn.
Mật độ và khoảng cách trồng
Tùy vào độ tuổi và mục đích trồng cây mai mà có mật độ và khoảng cách trồng khác nhau. Ví dụ có các mục đích trồng cây như: trồng cây nguyên liệu để bán cho các đơn vị sản xuất khác, hoặc trồng cây nghệ thuật thành phẩm rồi mới bán hoặc trồng để cắt bán cành mai chưng vào dịp tết.
Lưu ý là cần đảm bảo cây không bị giao tàn, từng cây đều nhận được đầy đủ ánh sáng, vườn cây thông thoáng, và có lối di chuyển nội bộ trong các luống cây để không bị ảnh hưởng khi bứng cây, chuyển cây.
Cách trồng cây mai vàng con
Cách trồng cây mai vàng không khó nhưng cũng có một số lưu ý nhất định như sau:
Đảo đất
Trước khi trồng mai cần xới đất, đảo đất, mục đích là vừa tạo độ thông thoáng cho rễ cây dễ phát triển, vừa trở phần đất bạc màu xuống dưới, phần đất còn nhiều dinh dưỡng lên trên để cung cấp dưỡng chất ngay cho cây mai con.
Đào hốc
Đối với vùng đất thấp thì cần lên mô để trồng mai để nâng cao tầng canh tác, vừa giúp thoát nước tốt cho cây. Hốc đào trên mô cần lớn hơn bầu cây 1 chút là được.
Kiểm tra cây mai giống
Ở bước này, xem như là chúng ta đã chọn lựa được cây giống mai vàng chất lượng. Chúng ta cần kiểm tra để đảm bảo cây có bộ rễ tốt, không bị tổn thương, không sâu bệnh, bộ lá già, bầu cây còn nguyên vẹn, và đất trong bầu có màu đậm chứng tỏ cây không mới sang bầu.
Đặt cây xuống hố/ hốc trồng
Khi đặt cây xuống hốc, chúng ta cần nhẹ nhàng cắt bỏ lớp nylong bầu sao cho không bị bể bầu, không tác động mạnh đến bộ rễ cây đang còn non yếu bên trong. Sau đó lấp đất lại thì cần lưu ý không nén đất quá chặt, chỉ cần vừa chặt là được. Ngoài ra, nhữn người trồng cây mai con thành công chia sẻ thêm là chỉ cần lắp đất quá mặt bầu cây khoảng 2 – 3cm là được, tối đa cũng không nên lắp quá 5cm.
Sau cùng, chúng ta có thể cặm cọc hỗ trợ cây được giữ chắc và tưới nước vừa đủ cho cây. Lưu ý, đất ngay gốc cây mai cần cao hơn bên ngoài một chút để khi tưới nước không bị đọng vũng ngay gốc dẫn đến úng cây.
Tổng hợp kỹ thuật chăm sóc cây mai vàng con nhanh phát triển
Tưới nước
Sau khi trồng xong cây mai con, cần đảm bảo tưới nước đầy đủ cho cây. Vào mùa nắng có thể tưới cách ngày vào buổi sáng. Vào mùa mưa trước tiên cần thoát nước tốt cho cây mai.
Đối với cây trồng chậu thì cần tưới 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều mát. Hoặc kiểm tra đất chậu khô thì tưới bổ sung nước ngay cho cây.
Lưu ý hạn chế tưới cây mai vào buổi tối, vì buổi tối nhiệt độ xuống thấp, ẩm độ cao, nếu tưới nước cho cây thì ẩm độ càng cao, vi nấm càng dễ tấn công cây mai. Ngoài ra, đối với cây mai con nên tưới phun sương thích hợp hơn là tưới giọt bắn hoặc tưới tia nước mạnh.
Bón phân
Cây mai vàng con sau khi trồng được 20 ngày thì ra rễ, lúc này có thể bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Có thể kết hợp bón phân hữu cơ và vô cơ với liều lượng tăng dần qua thời gian. Cách bón là rãi quanh gốc rồi tưới nước chứ không xới đất. Lưu ý là bón quanh gốc nhưng cách gốc một khoảng để hạn chế tạo môi trường thuận lợi ngay gốc cho vi nấm tấn công cây mai.
Biểu hiện của cây mai bị thiếu hoặc không đúng loại phân bón: cây mai con lớn nhanh nhưng thân và cành mỏng manh, hoặc cây đâm tược nhanh nhưng cành tán lưa thưa không cân đối.
Cắt tỉa tạo dáng
Cây mai có bộ tán càng “kỳ, mỹ” thì giá trị cây mai đó càng cao. Có các kiểu dáng tạo tán phổ biến nhất là tán cây thông và dáng bonsai. Ngoài tạo tán theo ý muốn, cần cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành mọc dày đặc cùng một hướng, và người ta thường thực hiện công việc này khoảng 2 tháng 1 lần.
Lặt lá để hoa mai ra đúng tết
Cây mai quý ở bộ đế và bộ tán đẹp mắt, cây mai càng giá trị hơn khi trổ hoa được vào đúng dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Theo đó, chúng ta cần lặt lá lãi lá cây mai vào khoảng ngày 10 – 12 âm lịch tháng chạp. Và mọi người thường chiếu theo thời tiết để chọn ngày lặt lá, nếu tiết trời ấm nóng thì lặt lá sớm hơn, hoặc nếu gặp mưa và lạnh thì lặt lá muộn hơn một vài ngày.
Lô cây mai kiểng vừa sang chậu lặt lá tại Thế Giới Cây Giống
Tổng kết
Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai vàng. Trong bài tiếp theo, thegioicaygiong.com chia sẻ tiếp với các bạn thông tin về các khu vực nào trồng mai vàng nhiều và phổ biến nhất. Các bạn cùng đón đọc nhé.
Comments (2)
[…] Cách trồng và chăm sóc để cây mai vàng nhanh phát triển […]
[…] Cách trồng và chăm sóc để cây mai vàng nhanh phát triển […]