Bơ sáp OCOP vẫn giữ giá cao, tiêu thụ tốt
Năm nay giá bơ trên thị trường giảm sâu, khiến cho nhiều nông dân trồng bơ thua lỗ. Thế nhưng, sản phẩm bơ sáp tiêu chuẩn OCOP của gia đình anh Hồ Văn Hoan, ở thôn 11, xã Đắk Lao (Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), vẫn giữ được mức giá cao, tiêu thụ tốt.
Hằng năm, vụ thu hoạch bơ của gia đình anh Hồ Văn Hoan luôn diễn ra chậm hơn 2 tháng so với các loại bơ chính vụ trên địa bàn huyện Đắk Mil. Theo anh Hoan, vườn bơ của gia đình anh là giống bơ sáp. Loại bơ này luôn chín muộn hơn so với các loại bơ khác. Đây chính là lợi thế, vì bơ sáp khi đó lại “hút hàng” và bán được giá.
Năm nay, dù các loại bơ khác đồng loạt rớt giá thê thảm, nhưng bơ sáp của anh Hoan vẫn bán được tầm 28.000 – 30.000 đồng/kg. Đặc biệt, vườn bơ sáp của anh Hoan luôn giữ vững thương hiệu và uy tín nhờ áp dụng quy chuẩn VietGAP và được “gắn sao” OCOP (Chương tình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm bơ của anh Hoan được các vựa bơ, các nhà bán lẻ từ các tỉnh, thành đặt hàng với số lượng lớn.
Anh Hoan cho biết, việc gia đình anh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để trồng bơ đến khi được công nhận sản phẩm OCOP là một quá trình dày công, với nhiều nỗ lực, tâm huyết. Gia đình anh chỉ có vỏn vẹn 60 cây bơ trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Với quyết tâm làm ra sản phẩm sạch, chất lượng, anh đăng Hoan ký tham gia Tổ hợp tác bơ an toàn của huyện Đắk Mil.
Anh Hoan chia sẻ: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ít ra cũng tạo niềm tin cho khách hàng. Bởi nhà vườn áp dụng quy trình sản xuất từ làm cỏ cho đến bón phân, phòng bệnh cho bơ đều áp dụng công nghệ sinh học để chăm sóc. Tiến thêm một bước là sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng quét mã QR code bằng điện thoại để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy, quả bơ được nâng cao giá trị”.
Không chỉ áp dụng phương pháp sản xuất tiến bộ trên vườn bơ, anh Hoan còn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm trồng bơ mỗi khi có người tìm đến tìm hiểu, tham quan. Những năm qua, có hàng trăm người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu cây giống, chồi ghép, cách phòng trừ sâu bệnh đối với bơ sáp.
Do giống bơ của gia đình anh chọn lọc từ cây bơ sáp địa phương, nên khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt, cây đã thuần chủng, thích nghi tốt với khí hậu, môi trường, khả năng kháng bệnh cao. Loại bơ này có nhiều ưu điểm như trái có hình dáng thon dài, cơm vàng, mẫu mã đẹp và đang rất được thị trường ưa chuộng.
Sau hơn 3 năm áp dụng sản xuất VietGAP, đến nay sản phẩm bơ sáp của anh Hoan được UBND huyện Đắk Mil lựa chọn để tham gia xây dựng sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm bơ sáp của anh Hoan đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Đắk Nông đợt 1 năm 2020. Đây chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực lao động, sản xuất của anh. Anh Hoan cho biết, được chứng nhận OCOP là động lực để anh tiếp tục nâng cao chất lượng bơ sáp và xây dựng thương hiệu cho giống bơ này trở thành đặc sản của địa phương.
Bài, ảnh: Văn Tâm
nguồn: http://vietlinh.vn/tin-tuc/2020/cay-an-trai-2020-s.asp?ID=802
Trả lời