4 điều cần biết khi chăm sóc cây dừa đang nuôi trái
Giai đoạn cây cho trái cây dừa được chăm sóc nhiều hơn so với giai đoạn trước. Chúng ta cần bổ sung dinh dưỡng và phòng ngừa sâu bệnh như thế nào để hỗ trợ cây nuôi trái khỏe và chất lượng.
Xem thêm:
- Cách phòng ngừa 5 loài sâu bọ nguy hại cho cây dừa
- Top 3 giống dừa Bến Tre dễ trồng năng suất cao
- Chăm sóc cây dừa con lần làm gì
Khi cây dừa đã cho trái ổn định cũng là bắt đầu đi vào thời kỳ kinh doanh, mang lại nguồn thu cho bà con. Khi đó, việc chăm sóc cây cần phải làm đúng quy trình.
Về nước tưới cho cây dừa đang nuôi trái
Nội dung bài viết
Tuy đặc tính của giống dừa là chịu hạn khá tốt do rễ ăn sâu rộng, nhưng nếu giai đoạn cây nuôi trái, cây được cung cấp nước tưới đầy đủ, chất lượng trái sẽ tốt hơn. Ngược lại, vào mùa nắng nóng, nếu cây dừa bị thiếu nước có thể dẫn tới rụng trái non. Vào mùa nắng nóngrung bình, tưới nước khoảng 2 – 3 ngày một lần là tốt nhất. Mùa mưa thì chú ý đào rảnh thoát nước tốt cho cây.
Ngoài ra, hàng năm có thể bồi bùn cho cây 1 lần vào đầu mùa nắng, nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng, làm mát gốc và hạn chế thoát hơi nước. Tuy nhiên, bà con cần lưu ý bồi bùn không dày quá 5cm, và cần đảm bảo sau khi bồi bùn xong khoảng 2 – 3 ngày thì bùn khô, nứt đất. Nếu không, vô tình lớp bùn bồi thêm đó sẽ làm nghẹt rễ, rễ không thở được, làm ảnh hưởng đến rễ và đến sức khỏe cây.
Về phân bón cho cây dừa giai đoạn nuôi trái
Bón lót – bón phân hữu cơ
Nếu có điều kiện có thể bón lót cho cây dừa từ 30 – 50 kí phân hữu cơ hoai mục/gốc. Sang giai đoạn này, cần tỉa dần những cây trồng xen và quản lý cỏ dại hợp lý sao cho cây có đầy đủ ánh sáng để quang hợp. Cần tránh để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây dừa, hay dây leo chằng chịt trên cây dừa làm cây giảm quang hợp.
Bón chính – bón phân hóa học
Theo Viện dầu Thực vật Việt Nam và Tung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bến Tre, thì cây dừa thời kỳ đang nuôi trái cần bón phân theo tỷ lệ urê – Super lân – Cloruakali: 0,8- 1.5- 1,5 kí/cây/năm. Thường bón 2 lần trong năm, vào đầu và cuối mùa mưa.
2 cách bón phân giai đoạn cây dừa đang nuôi trái
Khi bón phân cần đào rảnh 1/2 vòng tròn gốc và cách gốc 1,5 – 2 mét, sâu 15 – 20cm (1 tấc rưỡi đến 2 tấc), rộng 20cm (2 tấc). Sau đó cho phân vào rảnh đào và lấp đất lại, sau cùng tưới nước vừa phải cho phân tan dần cho rễ cây hấp thu.
Song song đó, nhiều nhà vườn cũng áp dụng công thức phân trên để bón, nhưng bón thành 6 lần trong năm và bón rải đều xung quanh gốc. Trước khi bón thì dùng cào sắt xới nhẹ xung quanh và cách gốc khoảng 1,5 – 2 mét, sau đó bón phân lên rồi tưới nước. Cách bón này có tăng công lao động trên một đơn vị diện tích, nhưng có thể tiết kiệm được phân bón bị mất đi do trực di, bốc hơi hay rửa trôi trong thời gian phân phải nằm chờ rễ hấp thu.
Ngoài ra, chia làm 6 lần bón như trên giúp cho cây không bị thiếu hụt dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng, phát triển và cho năng suất ổn định quanh năm, hạn chế tình trạng dừa treo do thiếu dinh dưỡng. Còn về liều lượng phân bón có thể tăng, giảm tùy theo năng suất của cây hàng năm.
Vệ sinh rửa đọt cây dừa đang nuôi trái
Trong giai đoạn cây dừa khoảng 4 – 6 tuổi, hàng năm nên tổng vệ sinh cây dừa từ 1 đến 2 lần. Cần dọn dẹp tất cả các nhen, bông mo khô và tàu dừa khô dính lù xù trên cây. Rọc bỏ các nhen còn dính quá chặt trên đọt có thể giúp lá bung nhanh hơn, giúp cây dừa phát triển tốt hơn. Ngoài ra, vệ sinh đọt dừa cũng có tác dụng phòng ngừa kiến vương tấn công dừa rất hiệu quả, cũng như phòng ngừa luôn cả đuông dừa.
Phòng ngừa bệnh rụng trái non trên cây dừa
Phòng ngừa sâu bệnh hại giai đoạn cây dừa đang nuôi trái
Giai đoạn này, ngoài kiến vương, đuông dừa, bọ xít hại lá đọt non, cần có biện pháp phòng chuột và bọ xít tấn công trái dừa. Về vi nấm gây hại, nếu chăm sóc cây dừa đúng cách về nước tưới, vệ sinh vườn thông thoáng, dinh dưỡng đầy đủ cân đối, phòng ngừa tốt các loài sâu hại và côn trùng trên thì cây dừa khỏe mạnh, rất hạn chế các loại vi nấm gây đốm lá, thối đọt và rụng trái non xuất hiện.
Comment (1)
[…] 4 điều cần biết khi cây dừa đang nuôi trái […]