Bực mình vì cứ nghe giá tăng, ông nông dân Đồng Nai tự làm phân gì mà vườn bưởi vẫn ra trái quá trời?
Với quyết tâm thay đổi cách sản xuất, giảm chi phí, ứng phó với giá phân bón tăng, những năm qua, ông Hồ Văn Biển, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã tìm tòi, tự tạo ra phân sinh học bón cho cây bưởi da xanh.
Nhờ dùng phân hữu cơ sinh học nên vườn bưởi da xanh của ông Biển có sức bền, cho trái đều và được thị trường ưu chuộng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi giá phân bón hóa học không ngừng tăng, việc dùng phân sinh học mang lại lợi ích kinh tế lớn.
Ông Hồ Văn Biển trồng bưởi đã hơn 20 năm. Quá trình chăm sóc vườn, để chống ốc sên ăn lá, ông Biển mua thuốc rải xung quanh gốc bưởi, ốc sên ăn và bị chết.
Cùng với thời gian, những cây bưởi có ốc sên chết nhiều dưới gốc phát triển rất tốt, lá xanh, trái to, ngọt. Sau nhiều những thử nghiệm, cuối cùng ông Biển rút ra công thức dùng ốc sên, cá, đậu nành, mía đường ngâm ủ để làm phân.
Ông Hồ Văn Biển chia sẻ, hơn 5 năm qua chỉ sử dụng phân sinh học tưới cho cây bưởi, vất vả nhưng không khó. Ốc sên ở vùng này rất nhiều, mỗi tối đi vài giờ đồng hồ là bắt được hàng chục kg.
Ngoài ra, đặt mua cá chết, loại thải ở các làng bè; đậu nành, mía đường giá cũng rẻ, dễ mua.
Gia đình có 2,5 ha trồng bưởi, mỗi tháng tưới phân sinh học 2 lần; trung bình mỗi năm chi khoảng 35 triệu đồng làm phân sinh học. Nếu sử dụng phân hóa học, mỗi năm tốn hơn 100 triệu đồng.
“Phân sinh học sau 3 tháng ngâm ủ là sử dụng được, đặc biệt là càng để lâu hiệu quả càng cao. Tôi sử dụng thùng phuy để ngâm ủ phân, quá trình ngâm tôi phải đậy kín và sử dụng thuốc để hạn chế mùi hôi. Khi tưới phân tôi dùng máy bơm và tưới tự động bằng hệ thống béc nước đã lắp đặt sẵn trong vườn. Người dân ai muốn học cách làm phân sinh học thì tôi sẵn sàng chia sẻ công thức”, ông Hồ Văn Biển khẳng định.
rước đây, do thường xuyên dùng phân bón hóa học nên vườn bưởi của ông Biển bị suy kiệt, nhanh già cỗi. Từ khi dùng phân sinh học, vườn của ông có sức bền, cho nhiều trái (mỗi trái trọng lượng khoảng 1,5kg) với chất lượng tốt. Năm 2022, dù bưởi da xanh chỉ có giá trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm đến nay, ông Biển đã thu về hơn 700 triệu đồng tỷ đồng từ 2,5 ha bưởi.
Thời gian qua, ông Hồ Văn Lành (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã học hỏi làm phân bón bón hữu cơ sinh học như cách của ông Hồ Văn Biển. Sau gần 3 năm sử dụng phân hữu cơ sinh học, vườn bưởi của ông Lành phát triển tốt, cho năng suất cao, dự kiến năm nay thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ông Hồ Văn Lành cho biết, làm phân sinh học ngâm ủ cần bỏ nhiều sức, nhưng cái lợi thu về thì rất lớn. Về mặt kinh tế, phân hữu cơ sinh học chi phí chỉ bằng khoảng 30% so với dùng phân hóa học; vườn bưởi phát triển tốt, cây khỏe, cho trái to. Ngoài ra, ốc sên là loại gây hại đối với cây trồng, mình dùng ốc làm phân đồng nghĩa tiêu diệt ốc.
Theo ông Võ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, xã Phú Lộc có hàng nghìn ha cây ăn trái; trong đó, bưởi da xanh là loại cây chủ lực với diện tích khoảng 500 ha.
Việc sử dụng phân sinh học giúp cây bưởi phát triển tốt, cho trái đều, bưởi dùng phân sinh học rất được thị trường ưu chuộng. Nhận thấy những lợi ích này, vừa qua, ngành nông nghiệp huyện Tân Phú đã khảo sát, đánh giá nhằm nhân rộng mô hình dùng phân sinh học trong trồng bưởi.
Ông Võ Văn Hải khẳng định, ngành chức năng đang có chủ trương thành lập tổ hợp tác xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh xã Phú Lộc. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, đồng thời khuyến khích nông dân dùng phân hữu cơ, phân sinh học thay thế cho phân hóa học.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 73.000 ha cây ăn trái; trong đó, có trên 10.300 ha bưởi. Những năm gầy đây diện tích bưởi ở Đồng Nai tăng nhanh, tuy nhiên nhiều người dân không nắm được kỹ thuật, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu khiến cây bưởi phát triển kém, năng suất, chất lượng thấp.
Theo :Công Phong (TTXVN)
Trả lời