Long An chuẩn bị các điều kiện cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch
Để trái sầu riêng đủ các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng trên thế giới; ngành nông nghiệp và nhà vườn Long An đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng đạt quy chuẩn về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19… của Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định để xuất khẩu chính ngạch.
Canh tác đúng quy chuẩn nước nhập khẩu
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt tỉnh Long An Nguyễn Văn Cường cho biết, nông dân Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường,… đã trồng được hơn 230ha sầu riêng chuyên canh. Chất lượng sản phẩm sầu riêng trồng trên vùng đất mới của Đồng Tháp Mười (Long An) không thua vùng sầu riêng chuyên canh ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Để trái sầu riêng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, các thị trường tiềm năng; ngành nông nghiệp Long An đang hướng dẫn nhà vườn Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Cường, đại diện cho 2 nhóm nông dân trồng sầu riêng ở xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh) hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch.
Nhà vườn Trần Đăng Khoa, canh tác 3,5ha sầu riêng ở ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh), đại diện nhóm nông dân trồng 11ha đang xây dựng mã số vùng trồng chia sẻ: Mã số vùng trồng là điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc không bị thương lái ép giá. Để được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, nhà vườn phải canh tác đạt tất cả các tiêu chuẩn phía Trung Quốc quy định. Quá trình canh tác phải ghi chép lại nhật ký sản xuất trong 3 năm như: Việc quản lý tất cả sinh vật gây hại trên sầu riêng, các loại bệnh, các loại rầy, thời gian cách ly thuốc, biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19… theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trái sầu riêng ở xã Tân Lập đã được doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm đối với diện tích đang xây dựng mã số vùng trồng. Đối với những vườn sầu riêng chưa xây dựng mã số vùng trồng đang được ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và ghi lại nhật ký trong quá trình sản xuất hằng năm để làm cơ sở đăng ký mã số vùng trồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, Mai Văn On cho biết, nông dân Tân Thạnh đã trồng trên 120ha sầu riêng chuyên canh, trong đó có khoảng 50% diện tích cho trái. Để bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn cho sầu Tân Thạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn 2 nhóm nông dân xây dựng 2 mã số vùng trồng, với tổng diện tích 24,5 ha. Sau khi 2 nhóm nông dân này thực hiện xong, ngành nông nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích cấp mã số ra toàn huyện. Hiện tại, phần diện tích đang xây dựng mã số vùng trồng đã được doanh nghiệp hợp tác thu mua sản phẩm với giá bán rất tốt, không bị ép giá. Sầu riêng canh tác đúng theo quy chuẩn phía Trung Quốc quy định cho trái chín đạt chất lượng và ngon.
Bảo mật tuyệt đối mã số vùng trồng
Nhà vườn Đoàn Văn Xanh, canh tác 2ha sầu riêng ở xã Tân Lập (huyện Tân Thạnh) rất kỳ vọng vào mã số vùng trồng để nâng cao giá trị gia tăng cho trái sầu riêng. Mã số vùng trồng là cơ sở để trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mà không sợ thương nhân ép giá. Để được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, thì nhà vườn canh tác sầu riêng phải áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn phía Trung Quốc như việc kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phòng chống Covid-19, ghi chép nhật ký sản xuất… trong 3 năm. Điều nhà vườn rất lo lắng là khi vùng trồng được cấp mã số nếu không được quản lý chặt sẽ bị thương lái đánh cắp.
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật và Trồng trọt tỉnh Long An, Nguyễn Văn Cường cho biết, theo quy định của Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mã số vùng trồng chỉ công bố riêng cho người đại diện vùng trồng, không cho ai biết để tránh trường hợp mạo danh, đánh cắp mã số xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chi cục luôn phối hợp Trạm Kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thường xuyên theo dõi thông tin về mã số vùng trồng. Phát hiện có vấn đề nghi ngờ lập tức ngưng lô hàng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc ngành nông nghiệp Long An tập trung thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; hướng dẫn tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới sẽ giải được bài toán “trúng mùa rớt giá”, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người trồng sầu riêng và góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: nhandan.vn
Bạn đang đọc bài Long An chuẩn bị các điều kiện cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời