Thưởng thức trái na “khủng”, bơ “khủng” ăn mãi không hết tại Tuần hàng OCOP, đặc sản vùng miền Hà Nội
Tại Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng đang diễn ra ở Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), ai cũng trầm trồ khi thấy những quả na “khủng”, bơ “khủng” ở gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.
Thưởng thức trái na “khủng”, bơ “khủng” ăn mãi không hết tại Tuần hàng OCOP
Có mặt tại Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng đang diễn ra ở Trung tâm thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy những quả na “khổng lồ”, bơ “khủng” được trưng bày, giới thiệu tại gian hàng OCOP của tỉnh Sơn La.
Cầm quả na nặng trĩu tay, vẫn còn nguyên lá trên cuống, chúng tôi nhờ chị Phạm Thị Ánh – đại diện gian hàng cân thử. Ai cũng trầm trồ khi thấy quả na nặng tới gần 800gram. Chị Ánh vui vẻ cho biết: “Tại vườn của tôi còn thu hoạch được quả na nặng tới 1,5kg. Ăn mãi không hết”.
Hỏi chị đây là giống na Thái đang “hot” trên thị trường phải không, thì chị Ánh cho biết: Đây là giống na ta, nhưng được chăm sóc với kỹ thuật đặc biệt. Theo đó khi na đậu quả non, chỉ để lại trên cành 1 quả duy nhất để cây dồn chất dinh dưỡng nuôi trái. Nhờ đó quả na không chỉ to mà còn ít hạt, cùi dày, ăn thơm và ngọt.
Chỉ tay sang những quả na Thái đang bày ngay bên cạnh, chị Ánh khẳng định: Đây chính là giống na Thái, hay na Hoàng hậu, cho quả to hơn và cũng đang được trồng khá phổ biến ở Sơn La, năng suất rất cao. Hiện đang vào cuối vụ nên giá na khá cao, trong đó giá na Thái 100.000 đồng/kg (loại 1), giá na ta 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với chính vụ.
Chị Ánh cho biết, hiện gia đình chị đang có khoảng 5ha đất trồng các loại cây ăn trái, trong đó chủ lực là xoài, nhãn, na, mít, bơ. Đặc biệt, giống na Thái có nhiều ưu điểm vượt trội nên đang được bà con địa phương trồng nhiều. Tính trung bình, mỗi quả Na Thái có trọng lượng gần 1kg, mỗi cây na ở độ tuổi thu hoạch có thể cho thu từ 15 đến 20 kg.
Với giá bán trung bình khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi cây na có thể thu về trên dưới 1,5 triệu đồng/vụ. Quả na Thái đang được thị trường tiêu thụ mạnh bởi trái có trọng lượng lớn, mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon. Trong đó, na Thái Sơn La thường được tiêu thụ tại Hà Nội, Quảng Ninh…
Ngoài những quả na, bơ chất lượng, gian hàng của tỉnh Sơn La còn trưng bày, giới thiệu nhiều loại đặc sản khác như mít Thái, nhãn, thịt trâu gác bếp, thịt lợn bản xông khói, miến dong, các loại gia vị đặc sản đất Tây Bắc như mắc khén, chẩm chéo…
Bên cạnh gian hàng OCOP của tỉnh Sơn La, tại Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng đang diễn ra ở Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) còn có hơn 100 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm đặc sản vùng miền của 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Văn Chí – Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, TP hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). Trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ NNPTNT xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Theo ông Chí, Chương trình OCOP phát triển bền vững và ngày càng phát huy được hiệu quả thiết thực. Bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Hà Nội rất coi trọng các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng miền.
Các sự kiện này là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP; tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Qua đó góp phần xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận); tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình “Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phát biểu tại sự kiện này, Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT và UBND thành phố Hà Nội nhằm tích cực hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Được biết, trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra buổi trình diễn “Sắc màu chim cảnh và thả chim vì hoà bình”, diễn ra sáng 09/10/2022; Triển lãm 150 bức ảnh tiêu biểu về thành tựu xây dựng Nông thôn mới của Thủ đô với chủ đề “Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội” được Ban tổ chức lựa chọn từ hơn 1.000 tác phẩm ảnh của các nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia của Thủ đô và nhiều tỉnh thành.
Tổ chức Gala Tổng kết và Trao giải cuộc thi ảnh “Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội” sáng 10/10/2022. Đặc biệt trong khuôn khổ Sự kiện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), TikTok Việt Nam, Tập đoàn Yeah1, Công ty cổ phần giải pháp KYC tổ chức Chương trình livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên TikTok vào 19h00 ngày 11/10/2022.
Theo Minh Huệ – Báo Dân Việt
Bạn đang đọc bài Thưởng thức trái na “khủng”, bơ “khủng” ăn mãi không hết tại Tuần hàng OCOP, đặc sản vùng miền Hà Nội tại chuyên mục Tin tức của Công ty Thế Giới Cây Giống. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư ctythegioicaygiong@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0906194819.
Trả lời